26/08 ADB kêu gọi châu Á tăng cường hợp tác kinh tế

Ngày 26.08.2011, 13:37 (GMT+7)
SGTT.VN - Báo Wall Street Journal hôm thứ năm 25.8 dẫn lời kinh tế gia trưởng ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Changyong Rhee rằng các nền kinh tế châu Á cần phải phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô trong khu vực, nhằm nâng cao nhận thức và tạo điều kiện gắn bó khăng khít để vượt qua khủng hoảng hiện tại.
ADB cho rằng kinh tế châu Á, không như năm 2008, sẽ có khả năng phục hồi để đối phó với sự sụt giảm tăng trưởng của thế giới.Ảnh: The Economist
Trong chuyến thăm Singapore cách đây không lâu, ông Changyong Rhee nói rằng không nên xem G-20, gồm các quốc gia công nghiệp đang phát triển, là diễn đàn duy nhất thảo luận các vấn đề quốc tế. Ông cho biết thêm châu Á vẫn có khả năng tạo ra một khu vực sử dụng đồng tiền chung của châu lục. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện tại ở châu Âu, mục tiêu trên cần phải có thời gian lâu dài để các nước đạt được sự phối hợp về chính sách ở mức độ cao hơn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc năm 2010, với tư cách tổng Thư ký Uỷ ban tổng thống cho diễn đàn, ông Rhee phát biểu: “Đối với châu Á, tôi nghĩ rằng một trong những lý do tại sao chúng ta phải chịu thiệt hại nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, khủng hoảng năm 2008 là do các cuộc đối thoại chính sách toàn cầu bị gián đoạn. Xét một mặt nào đó, điều này có nghĩa các thông tin về dòng chảy trên thị trường cũng bị ngắt kết nối”.
Ông nhấn mạnh vai trò của chính sách tài khóa tiền tệ nói chung và hợp tác là những vấn đề toàn cầu trọng điểm. G-20 vẫn đang thảo luận để giải quyết, tuy vậy G-20 chỉ bao gồm các nền kinh tế lớn, do đó hợp tác khu vực tại thời điểm này là rất cần thiết.
Về triển vọng cho sự phát triển của châu Á, ông Rhee khẳng định ADB có thể nâng cao dự báo mức lạm phát và giảm nhẹ tăng trưởng trong thời gian tới.
ADB dự báo lạm phát ở châu Á là 5,3% và tăng trưởng GDP đạt 7,8% trong năm 2011. Tương tự, dự báo tăng trưởng ở Trung Quốc năm 2011 được giảm nhẹ 9,6% và lạm phát tăng 4,6%. Kinh tế gia Changyong Rhee lạc quan rằng kinh tế châu Á, không như năm 2008, sẽ có khả năng phục hồi để đối phó với sự sụt giảm tăng trưởng của thế giới.
TUYẾT HẠNH (THEO WSJ)

No comments:

Post a Comment