17/03 Bảo hiểm thế giới ‘thoát nạn’ sự cố hạt nhân ở Nhật


Thứ năm, 17/3/2011, 11:34 GMT+7


Các nhà phân tích rủi ro bảo hiểm ước tính thiệt hại do trận động đất Tohoku gây ra cho ngành này có thể lên tới hàng chục tỷ đôla. Tuy nhiên, công ty bảo hiểm cho nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản lại “thoát nạn”.

Sáng 14/3, hai ngày sau thảm họa, giá cổ phiếu của các công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới trên thị trường châu Âu đồng loạt giảm. Cổ phiếu của Swiss Re giảm 5,8 %, Munich Re giảm 5,4% và Hannover Re giảm 4,7%; 3 công ty bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản giảm từ 7,9% tới 15,9%.
Liên quan tới các hợp đồng tái bảo hiểm quốc tế, các công ty bảo hiểm tại châu Á đã nhận được thông báo trì hoãn việc chào phí tái bảo hiểm từ các nhà tái ngay sau khi thảm họa xảy ra.
Khác với Chilê hay New Zealand vốn phần lớn phụ thuộc vào các nhà tái bảo hiểm toàn cầu, thị trường tái bảo hiểm và bảo hiểm nội địa của Nhật Bản phát triển mạnh và có thể đảm bảo khả năng thanh toán trong trường hợp thảm họa xảy ra.
Với 104,9 tỷ đôla phí bảo hiểm (31/03/2009), ngành bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản được Công ty các giải pháp kiểm soát rủi ro RMS - Mỹ đánh giá là lớn thứ tư thế giới sau Mỹ và Đức, Anh với 70% tổng doanh thu phí từ khách hàng cá nhân.
Động đất không nằm trong phạm vi bảo hiểm với nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: BBC
Động đất không nằm trong phạm vi bảo hiểm với nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: BBC
Mặc dù vậy, mật độ tham gia bảo hiểm tại đất nước này là tương đối thấp khi so sánh với những thị trường hàng đầu ở phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại và công nghiệp. RMS ước tính hơn 50% hộ gia đình ở Nhật mua bảo hiểm nhà ở và 40% chủ phương tiện giao thông có đơn bảo hiểm cho xe ô tô, trong đó rủi ro động đất có thể là các điều khoản lựa. Năm 2010, dưới 50% người mua bảo hiểm lựa chọn điều khoản này.
Nghiệp vụ bảo hiểm công nghiệp và thương mại được bảo hiểm với giá trị thấp, nhiều tập đoàn lớn bảo hiểm tài sản ở mức cơ bản và không bảo hiểm tổn thất về lợi nhuận hay động đất. Nhiều cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ không được bảo hiểm. Tuy nhiên, toàn bộ các đơn bảo hiểm hộ gia đình và hầu hết các đơn bảo hiểm cháy đều tự động bao gồm rủi ro do động đất dẫn đến hỏa hoạn.
Do các quy định trong cơ chế tái bảo hiểm đặc thù của Nhật Bản, hầu hết các tổn thất do động đất gây ra sẽ do các nhà tái bảo hiểm quốc gia này gánh chịu, hay Chính Phủ phải đền bù phần lớn các rủi ro thay cho các công ty tái bảo hiểm tư nhân.
Theo ước tính mới nhất của Công ty đánh giá rủi ro AIR Worldwide ngày 14/3, tổn thất tài sản được bảo hiểm do động đất ở Nhật Bản khoảng 35 tỷ đôla. Con số này có thể tăng lên sau khi mức độ thiệt hại được xác định rõ ràng hơn.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cho biết chỉ những rủi ro trong thương mại và công nghiệp mới do thị trường tái bảo hiểm toàn cầu gánh chịu. Do vậy, tổn thất về động đất của Nhật không gây ra tình trạng căng thẳng tài chính trên diện rộng với ngành bảo hiểm thế giới. Những thiệt hại nặng nề cho các nhà tái bảo hiểm chỉ là những tổn thất về hàng hải, hàng không và vận tải.
Fitch cho rằng những tổn thất được bảo hiểm thấp hơn đáng kể so với các tổn thất kinh tế do 4 yếu tố. Thứ nhất, thiệt hại động đất đối với tài sản dân cư được chi trả bởi Hệ thống Bảo hiểm Động đất do Chính phủ Nhật hỗ trợ với khả năng chi trả tối đa lên tới 5.500 tỷ yên (tương đương 41,8 triệu Euro). Thứ hai, các nhà bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản đã tích lũy được một khoản dự trữ thảm họa đáng kể trong những năm vừa qua với 524 tỷ yên (6,4 tỷ đô), tương đương 88,4% trách nhiệm thanh toán của họ trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, bảo hiểm động đất được cung cấp như một điều khoản phụ cho các đơn bảo hiểm tài sản và chỉ 14% tới 17% nhà ở Nhật Bản được bảo hiểm cho rủi ro động đất. Thứ năm, tâm chấn cách khá xa khu vực tập trung đông dân cư như Tokyo, Osaka. Các khu vực bị ảnh hưởng có mức độ tham gia bảo hiểm thấp hơn so với các thành phố chính.
Những nhà bảo hiểm Nhật Bản chịu tác động lớn nhất gồm: Tokio Marine, Nichido, Mitsui Sumitomo, Sompo Japan, Nipponkoa và Aioi. Tuy nhiên, theo Reuter, tác động của trận động đất tới các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Nhật Bản được hạn chế vì phí bảo hiểm động đất của các công ty này chỉ vào khoảng 3% tổng mức phí.
Trên thị trường bảo hiểm quốc tế, thị trường bảo hiểm Anh có thể đối mặt với tổn thất lên tới 3,1 tỷ Euro, trong đó Lloyd bị ảnh hưởng nặng nề nhất. QBE ước tính bồi thường ròng của họ sẽ vào khoảng 125 triệu đôla.
Tiến sĩ Amarnath Ananthanarayanan, CEO Công ty bảo hiểm Tổng hợp Bharti AXA cho rằng, thảm họa tại Nhật Bản sẽ tác động tới thị trường tái bảo hiểm vào năm sau về mặt giá cả vì hầu hết các hợp đồng tái trên toàn cầu cho năm 2011 đều đã được kí.
Liên quan tới vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân, sáng 14/3, nhà bảo hiểm của Lloyd Chaucer đã khẳng định Chaucer Nuclear Syndicate 1176 là nhà bảo hiểm cho Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), chủ sở hữu của hai trong ba nhà máy thuộc khu vực bị ảnh hưởng: Fukushima I và II. Nhưng họ xác nhận không chịu trách nhiệm bảo hiểm cho thiệt hại tài sản hay gián đoạn kinh doanh tại hai nhà máy này.
Ở nhà máy thứ ba Onagawa do Công ty điện lực Tokuku sở hữu, có bảo hiểm thiệt hại tài sản nhưng điều khoản động đất và sóng thần được loại trừ. Theo quy định của luật pháp Nhật Bản về các hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân năm 1961 (sửa đổi năm 2009), các nhà khai thác không phải chịu trách nhiệm cho bất kì thiệt hại nào trong lĩnh vực này phát sinh từ những thảm họa tự nhiên. Do đó, Chaucer sẽ không phải gánh chịu những tổn thất đáng kể thuộc phạm vi được bảo hiểm trong trường hợp thảm họa.
Những thảm họa tự nhiên gây tổn thất lớn nhất cho ngành bảo hiểm trong lịch sử
Theo xếp hạng của Công ty tái bảo hiểm Munich Re, hầu hết các thảm họa động đất gây thiệt hại lớn cho ngành bảo hiểm đều xảy ra trong vòng 13 tháng gần đây:
- Trận động đất Northridge ở California, tháng 1/1994với số tiền bồi thường lên tới 15,3 tỷ đôla tại thời điểm đó (tương đương 22,5 tỷ đôla năm 2010).
- Động đất hồi tháng 2/2011 tại New Zealand với 10 tỷ đôla.
- Tiếp theo là trận động đất tháng 2/2011 và sóng thần ở Chi lê với 8 tỷ đôla
- Trận động đất ở New Zealand tháng 9/2010 với 5 tỷ đôla.
- Cuối cùng cũng là một trận động đất ở Nhật xảy ra ở Kobe hồi tháng 1/1995 gây tổn thất 3 tỷ đôla cho ngành bảo hiểm tại thời điểm đó (tương đương 4,3 tỷ đôla năm 2010).
Nguyễn Thị Hà
B

No comments:

Post a Comment