04/05 ASEAN+3 tăng cường phòng ngừa rủi ro tài chính

04/05/2011 | 20:56:00

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dịp Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội, ngày 4/5, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 lần thứ 14 đã họp kiểm điểm tình hình hợp tác kinh tế tài chính trong khu vực kể từ Hội nghị lần thứ 13 đến nay. Đặc biệt, hội nghị đã dành nhiều thời gian tập trung kiểm điểm tình hình và đối thoại chính sách trước những thách thức mới nảy sinh như lạm phát tăng cao, rủi ro của các nguồn vốn bất thường.

Thông tin này được hai đồng chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 đến từ Nhật Bản và Indonesia cho biết tại buổi họp báo kết thúc hội nghị. Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã tham dự hội nghị.

Theo các đồng chủ tọa, hội nghị đã ra Tuyên bố chung khẳng định sự thống nhất hợp tác hơn nữa để hỗ trợ quá trình tăng trưởng của các nước trong khu vực và xử lý các vấn đề tồn tại hiện nay, cũng như các thách thức trong tương lai.

Hội nghị khẳng định sự hợp tác ASEAN+3 trong lĩnh vực tài chính là khá hiệu quả; đồng thời đề ra các biện pháp mới, những ưu tiên mới về tài chính trong khu vực như tài trợ cho phát triển cơ sở hạ tầng, bảo hiểm rủi ro thiên tai và sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại nội khối.

Hội nghị cũng nhất trí việc thực hiện Sáng kiến Chiang Mai đã đóng vai trò tích cực giúp ổn định nền tài chính khu vực, trong đó Quỹ tiền tệ khu vực (CMIM) cần phải bổ sung thêm chức năng phòng ngừa rủi ro về tài chính trước các thách thức trong khu vực và phối hợp chặt chẽ hơn với Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) để thúc đẩy thực hiện hiệu quả Sáng kiến Chiang Mai.

AMRO cũng sẽ đưa ra những đánh giá độc lập về tình hình kinh tế của các nước ASEAN+3 và phối hợp với các định chế đa phương như IMF để đề ra cơ chế hỗ trợ về thanh khoản tài chính khi các nước thành viên có nhu cầu.

Hội nghị thông báo Quỹ Đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF) được thành lập năm 2010 với số vốn ban đầu 700 triệu USD sẽ hỗ trợ kịp thời việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và phát triển thị trường trái phiếu trong khu vực.

Hội nghị thống nhất mời các Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tham gia Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 kể từ năm 2012 và đổi tên thành Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng ASEAN+3.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết Việt Nam cũng sẽ sử dụng Quỹ CMIM để xử lý các biến động kinh tế tài chính trong nước khi cần thiết. Hiện Việt Nam đã đóng góp 1,1 triệu USD vào quỹ này từ năm 2010.

Ông Ninh cũng khẳng định nếu Việt Nam tiếp tục tham gia vào CGIF thì việc này sẽ tạo thêm được nguồn tài chính hỗ trợ cho phát triển kinh tế và tài chính trong nước./.

Sự Anh (TTXVN/Vietnam+)

No comments:

Post a Comment