24/10 Lòng tin kinh doanh ở Đức tăng cao nhất trong 3 năm

Kết quả điều tra công bố cuối tuần qua của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy lòng tin kinh doanh tại Đức trong tháng 10/2010 đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm, nhờ nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã có bước phục hồi mạnh mẽ từ cuộc suy thoái, vốn vẫn đang làm đau đầu các nước láng giềng.

Theo kết quả vừa công bố, chỉ số lòng tin kinh doanh tại Đức trong tháng 10/2010 đã tăng lên 107,6 điểm, so với 106,8 điểm của tháng trước, trái ngược với dự đoán giảm xuống 106,4 điểm của các nhà phân tích.

Ngoài ra, chỉ số kỳ vọng kinh doanh cũng do Ifo công bố tăng từ 103,9 điểm lên 105,1 điểm, trong khi gới phân tích dự đoán con số này sẽ giảm xuống 103 điểm.

Theo ông Timo Klein thuộc IHS Global Insight, với kết quả này, việc lòng tin kinh doanh của Đức sẽ tăng lên mức cao nhất mọi thời đại 108,9 điểm, đạt được hồi tháng 12/2006, là hoàn toàn nằm trong tầm với. Martin Lueck, chuyên gia kinh tế thuộc tập đoàn UBS nhận định điều này cho thấy hoạt động kinh doanh tại Đức vào đầu quý IV/2010 đã diễn ra tốt hơn dự báo, và các công ty đang tỏ ra lạc quan hơn mong đợi.

Nó có thể đồng nghĩa với việc sự tăng trưởng chậm lại trong các hoạt động kinh tế mà người ta nhìn thấy trong hầu hết các chỉ số khác có thể sẽ không kéo dài như lo ngại. Kết quả điều tra trên được công bố một ngày sau khi Chính phủ Đức nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2010 lên 3,4%, trong bối cảnh nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, này đang nhận được sự hỗ trợ từ sự gia tăng trong thương mại toàn cầu, bất chấp sự lên giá của đồng euro, cũng như từ việc tỷ lệ thất nghiệp giảm và các doanh nghiệp tăng cường đầu tư kinh doanh.

Carsten Brzeski, nhà kinh tế cao cấp thuộc ING đánh giá nền kinh tế Đức không hề bị mất cân bằng trước khi xảy ra khủng hoảng, trong khi các biện pháp đối phó với khủng hoảng của chính phủ đã được đưa ra kịp thời và đúng mục tiêu. Trong một thông tin khác, để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai, ngân hàng trung ương Đức ngày 22/10 đã công bố những nét chính trong chương trình cải tổ hệ thống ngân hàng, theo đó cho phép các ngân hàng sử dụng trái phiếu phi chính phủ và các chứng khoán để đáp những những yêu cầu khắt khe hơn về dự trữ vốn theo quy định Basel III, dự kiến sẽ có hiệu vào năm 2013.

Theo thông báo, các chứng khoán như vậy có thể chiếm tới 40% vốn dự trữ của các ngân hàng; còn các trái phiếu phi chính phủ sẽ vẫn bị khấu trừ 15% giá trị thị trường khi được tính là một phần trong số vốn dự trữ./.


Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

No comments:

Post a Comment